Hãy khởi động chuyến hành trình du lịch châu Âu của mình bằng một việc đau đầu và vất vả nhất: xin visa Schengen.
Trước chuyến đi có lẽ vấn đề Visa châu Âu là vấn đề mà khiến tôi nản lòng nhất, không chỉ vất vả mà còn rất nhiều các điều kiện khó khăn mà khối Schengen đặt ra, và nhất là tâm lý hoang mang khi lên các diễn đàn về Phượt đều có một số trường hợp khó hiểu như việc có hồ sơ ngon lành và hoàn hảo mà vẫn trượt visa như thường.
Rất may là động lực bước chân lên mảnh đất châu Âu quá lớn, thôi thúc tôi cố gắng và đã thành công. Ở đây tôi nói rõ về mục đích xin visa của tôi là đi du lịch tự túc một mình, thời gian chuyến đi tầm 1 tháng, và cũng tự xin visa mà không phải qua môi giới.
Thị thực – Visa Schengen là gì?
Visa Schengen là visa cho phép bạn được nhập cảnh vào 26 quốc gia châu Âu nằm trong khối Schengen. Những nước này bao gồm: Ba Lan, Cộng hòa Séc, Hungary, Slovakia, Slovenia, Estonia, Latvia, Litva, Malta, Iceland, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Luxembourg, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức, Áo, Ý, Hy Lạp, Thụy Sĩ, Liechtenstein (trong đó có 22 nước thuộc khối liên minh Châu Âu).
Lưu ý là UK và một số nước khác thể hiện trong bản đồ dưới đây không nằm trong khối Schengen nên nếu bạn nào có ý định đi du lịch đến các nước đó thì phải xin Visa riêng nhé.
Điều kiện tiên quyết để xin được Visa Schengen
Xin Visa cũng giống như khi tôi muốn sang thăm nhà một người nào đó vậy, họ sẽ chỉ cho tôi vào nhà khi họ thực sự tin tưởng tôi. Do đó ở đây, hồ sơ xin visa của chúng ta phải đáp ứng được các tiêu chí sau:
– Đảm bảo các thông tin trung thực, có mục đích rõ ràng, không có các yếu tố lập lờ thiếu minh bạch.
– Đảm bảo điều kiện về tài chính để có thể sống và chi tiêu trong khối trong suốt quá trình lưu trú.
– Chứng minh được mình đủ nhận thức và văn minh để không làm thiệt hại về lợi ích của đất nước và con người họ, đảm bảo không trốn ở lại sau khi hết hạn visa.
Hoàn thiện hồ sơ Visa
Đầu tiên bạn phải xác định Lãnh sự quán mà mình định xin Visa. Hiện tại ĐSQ Pháp đã thay đổi cách nhận biết về nơi nộp hồ sơ visa Schengen như sau:
Trong trường hợp sẽ lưu trú tại nhiều quốc gia trong khối Schengen, cần nộp hồ sơ xin thị thực Schengen ngắn hạn tại cơ quan lãnh sự là “điểm đến chính” của chuyến đi.
Cách xác định quốc gia nào là “điểm đến chính” ?
- Quốc gia “điểm đến chính” là quốc gia mà ở đó đương đơn sẽ thực hiện mục đích chính của chuyến đi.
- Trong trường hợp mục đích của chuyến đi là giống nhau trong tất cả các quốc gia sẽ đặt chân đến, Quốc gia “điểm đến chính” là nơi mà đương đơn sẽ lưu lại lâu nhất.
- Trong trường hợp cả mục đích chuyến đi lẫn thời gian lưu trú tại mỗi quốc gia đều giống nhau, Quốc gia “điểm đến chính” là nơi mà đương đơn sẽ đặt chân xuống đầu tiên.
Vì vậy thông thường trong lịch trình của bạn quốc gia nào ở lại lâu nhất là tiêu chí đầu tiên để xác định chọn LSQ nào bạn sẽ nộp hồ sơ. Sau đó nếu thời gian lưu trú các nước giống nhau hết thì mới xét đến tiêu chí về nơi nào đặt chân đến đầu tiên. Các bạn chú ý để làm lịch trình cho phù hợp và nộp đúng LSQ xin visa tránh mất thời gian và công sức nhé.
Ở đây tôi xin visa ở LSQ của Pháp, vì nơi tôi dự định đặt chân lên đầu tiên là thủ đô Paris. Thời hạn nộp Visa ở LSQ Pháp là sớm nhất là 90 ngày và muộn nhất là 15 ngày trước ngày khởi hành. Sẽ khó có câu trả lời thoả đáng cho câu hỏi: xin Visa Schengen nước nào là dễ nhất, chính xác bao lâu thì được, vì điều đó còn tuỳ thuộc vào tình hình từng thời điểm. Tôi cũng nhận thấy là nộp hồ sơ ở LSQ Pháp thì cơ hội nhận được visa là khá cao, thời gian thì tôi nộp chỉ sau 3 ngày (thường thì ít nhất là 7 ngày) rồi lên trực tiếp hỏi thử thì họ đã đưa ngay cho tôi rồi (họ không trả lời qua điện thoại nhé), cũng có thể là hồ sơ của tôi nộp khá gấp (trước chuyến đi 15 ngày) nên họ xét nhanh để tôi chuẩn bị cho chuyến đi chăng. Ngoài ra khi nộp ở LSQ Pháp thì họ không yêu cầu tôi phải tham gia phỏng vấn, nhân viên thân thiện và nhận hồ sơ rất nhanh gọn, họ xem qua một lượt rồi cười đưa tôi giấy hẹn lấy visa, tất nhiên là sau khi thu 60 euro tiền phí.
Trường hợp xin visa du lịch châu Âu của tôi là: Du lịch tự túc, đi một mình và không có người thân bên nước tôi xin visa mời, thời gian chuyến đi tầm 1 tháng. Nguyên tắc của hồ sơ xin visa là ngôn ngữ đều phải bằng tiếng Anh, nếu giấy tờ nào tiếng Việt các bạn cần phải dịch sang tiếng Anh.
Update 2018: Theo update mới nhất thì hiện nay LSQ Pháp sẽ không tiếp nhận các hồ sơ xin visa dạng du lịch hay thăm nhân thân nữa, các hồ sơ này sẽ chuyển qua một công ty trung gian là TLSContact. Thời gian nhận Visa cũng khá nhanh, tôi nộp từ thứ 2 thì đến thứ 2 tuần sau là nhận được visa.
Note: Khá nhiều bạn hỏi là bạn xin Visa LSQ một nước nhưng lại đến một đất nước khác đầu tiên liệu có được không. Câu trả lời là vẫn ok nhé, miễn là đất nước bạn xin Visa bạn lưu trú tại đó lâu nhất trong chuyến hành trình. Bạn tôi cũng từng gặp trường hợp như vậy và bị hải quan sân bay hỏi khá nhiều, nhưng cuối cùng vẫn cho nhập cảnh. Trường hợp này bạn cần có kế hoạch chi tiết, đưa cho hải quan xem lịch trình, khách sạn đã đặt trước để chứng minh rằng mình lưu trú tại đất nước xin visa là lâu nhất. Tất nhiên an toàn nhất vẫn là xin đâu thì đến đó đầu tiên.
Hồ sơ cần chuẩn bị bao gồm (khá nhiều):
Giấy tờ về thông tin cá nhân
1. Visa application form – Download từ trang chủ của LSQ Pháp tại Việt Nam và điền vào đó.
2. Ảnh (3.5×5.5)
3. Passport (Original, Copy) còn thời hạn ít nhất 6 tháng, còn ít nhất 2 trang trắng. Nộp bản chính và bản photocopie tất cả các trang thông tin và các trang có dấu (nếu có).
4. Chứng minh thư nhân dân (Copy)
5. Sổ hộ khẩu (dịch thuật và công chứng tiếng Anh)
Giấy tờ chứng minh tài chính
6. Xác nhận ngân hàng về tiền gửi tiết kiệm. Bạn nên có một sổ tiết kiệm giá trị tầm 100-200tr, và đã gửi được từ 3 tháng trở lên.
7. Sao kê thẻ tín dụng trong vòng 3 tháng (xác nhận của ngân hàng, hoặc bạn có thể in các mail báo nợ hàng tháng cũng được).
8. Sao kê tài khoản ngân hàng trong vòng 3 tháng (đây là tài khoản trả lương để chứng minh thu nhập từ lương hàng tháng của bạn), có xác nhận từ ngân hàng.
Giấy tờ chứng minh công việc
9. Hợp đồng lao động, giấy đăng ký kinh doanh (bản copy), đơn xin nghỉ phép được chấp nhận của công ty đang làm việc (nếu là sinh viên bạn cần có xác nhận của trường đang học) và phiếu lương 3 tháng gần nhất (có xác nhận của công ty).
Nếu bạn có công ty riêng các bạn cần nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh của công ty mình, và các tờ kê khai thuế của công ty hàng tháng.
Giấy tờ cho chuyến đi
10. Chứng nhận bảo hiểm du lịch: hiện nay có rất nhiều công ty bảo hiểm cung cấp loại bảo hiểm này, bạn có thể mua ở đâu cũng được. Thường thì phí bảo hiểm cho 1 chuyến du lịch châu Âu trong vòng 1 tháng là khoảng 500.000đ, và bạn sẽ được hoàn khoảng 90% số tiền phí này nếu bạn trượt visa, bạn nên hỏi trước nhân viên tư vấn bảo hiểm.
Mình thì mua của BIC (BIDV), một vài review ngắn cho bên này:
- Ưu điểm: có thể mua online hoặc đến trực tiếp văn phòng ở Vincom Hà Nội, lấy rất nhanh gọn chỉ mất tầm 30′. Hoặc có thể lấy PDF qua email. Bên này là công ty lớn và uy tín.
- Nhược điểm: Giá cao hơn một chút so với các bên ít tên tuổi hơn. Một số trường hợp không được bảo hiểm. Tôi mua lần đầu tiên đi châu Âu thì không có vấn đề gì lớn, nhưng đến lần thứ 2 thì bị mất chiếc Macbook trên tàu ở Áo. Khi về Việt Nam có yêu cầu bồi thường nhưng nhận được câu trả lời là không được bảo hiểm vì trường hợp máy tính bị mất cắp sẽ không được bồi thường. Lẽ ra tôi nên nghiên cứu vấn đề này từ trước, vì một số bên cũng lớn và uy tín họ vẫn bảo hiểm cho trường hợp này. Lần sau đi tôi sẽ không mua của BIC nữa.
Nhìn chung là bảo hiểm ở Việt Nam khả năng được bồi thường không nhiều và thường bị làm khó hơn khi yêu cầu bồi thường so với một số nước khác như Sing hay Thái. Ở Singapore, ngay sau khi bị mất đồ bạn chỉ cần báo ngay cho cảnh sát địa phương, xin xác nhận và mang về nước bạn sẽ được bồi thường rất nhanh. Không bị yêu cầu nhiều giấy tờ chứng minh cho món đồ bị mất của mình (việc này thực tế rất khó khăn vì ít ai giữ được hoá đơn gốc khi mua món đồ đó).
11. Bản in vé máy bay điện tử, xác nhận đặt phòng cho toàn bộ nơi ở trong suốt cuộc hành trình. Để đảm bảo độ tin cậy, với vé máy bay khứ hồi Hà Nội – Paris các bạn đặt ở chế độ thanh toán sau (của Vietnam Airlines), còn đặt phòng các bạn đặt chi tiết cho từng thành phố mà mình đến và nghỉ lại phù hợp với lịch trình gửi trong hồ sơ.
Bạn cũng nên lựa chọn những dịch vụ đặt phòng trực tuyến để đưa vào hồ sơ như Booking.com, Hostelworld hay Agoda, những booking này sẽ hay hơn là các dịch vụ share phòng như AirBnb hay Couchsurfing. Các booking này các bạn đặt những khách sạn cho phép huỷ free trước 1,2 hôm sử dụng dịch vụ, để khi có được visa Schengen rồi mình sẽ huỷ đi và đặt lại cho chính xác và thực tế hơn.
Đặc biệt với các khoản đặt phòng qua booking.com hay hostelworld thì các bạn cần đọc kỹ các quy định của từng khách sạn mà mình định ở, thời gian được phép huỷ đặt phòng mà không mất phí, vì khi bạn đã điền thông tin thẻ tín dụng của mình vào rồi thì họ có thể trừ tiền của tôi bất cứ lúc nào đấy, kể cả khi bạn không điền 3 chữ số bảo mật. Tôi đã từng mất trắng 90 euro vì họ có điều khoản phạt 100% tiền phòng khi tôi không sử dụng dịch vụ, áp dụng ngay tại thời điểm đặt phòng, chỉ vì không đọc kỹ các điều khoản của họ.
12. Kế hoạch cho toàn bộ chuyến đi, làm thật chi tiết để tăng thêm độ tin cậy nhé. Đây là mẫu của tôi để các bạn tham khảo, liệt kê từng khoảng thời gian nào, ở đâu, làm gì, và di chuyển giữa các địa điểm bằng phương tiện gì, kế hoạch phân bổ chi phí ra sao:
13. Thư bày tỏ (letter of expression) – đây là một bức thư bằng tiếng Anh để tôi bày tỏ mong muốn của tôi được đi du lịch châu Âu và cam kết sẽ tuân thủ mọi quy định của nước sở tại.
Khi nộp hồ sơ các bạn mang hết cả bản chính đi để nhân viên LSQ đối chiếu, sau đó họ sẽ trả lại bản chính cho bạn luôn, chỉ giữ passport và sẽ trả lại khi cấp visa. Về điền đơn xin cấp thì thực thì bạn có thể tham khảo hướng dẫn của LSQ ở đây nhé.
Quy trình nộp hồ sơ
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ toàn bộ hồ sơ như trên, bạn cần gọi điện trước cho LSQ để đặt lịch hẹn. Bạn vào website LSQ của nước mà muốn nộp visa để tìm số điện thoại, sau đó yêu cầu đặt lịch hẹn với nhân viên tư vấn. Bạn nào cần visa gấp thì nên lưu ý vì số lượng lịch hẹn khá đông, nên thường họ sẽ hẹn mình lên nộp hồ sơ phải sau 3-4 ngày mình gọi đặt lịch với họ.
Đến ngày hẹn bạn lên LSQ để nộp hồ sơ, bảo vệ sẽ giữ lại CMND và đưa số thứ tự cho bạn. Bạn vào trong ngồi chờ đến lượt, sẽ có 2 ô tiếp hồ sơ, một bên là nhân viên người Việt, một bên là người Pháp. tôi nhận thấy là nộp hồ sơ bên ô nhân viên người Pháp có vẻ ‘dễ chịu’ hơn. Các bạn nhớ chuẩn bị trang phục và đầu tóc gọn gàng vì lúc này LSQ sẽ yêu cầu chụp ảnh, và ảnh này sẽ được dán lên tờ visa được cấp cho bạn sau đó. Sau khi nhận hồ sơ, họ sẽ đưa cho bạn một cái giấy hẹn và đến ngày đó lên lấy visa (nếu pass) và passport. Thường trên giấy hẹn sẽ là sau 15 ngày, nhưng sau từ 3-7 ngày, bạn nên chủ động đến LSQ hỏi kết quả visa của mình, vì họ có thể cấp rất nhanh mà mình không biết.
Update 2019:
Bạn vào website của TLS Contact tại Hà Nội ở đây, mở một tài khoản để thực hiện apply hồ sơ online. Tổng cộng sẽ bao gồm 8 bước, cứ bước nào xong thì sẽ hiện xanh. Bạn có thể điền Application Form trực tiếp trên website hoặc làm trước xuất file PDF rồi upload lên web của TLS Contact. Nếu bạn đi theo nhóm, bạn chỉ cần tạo 1 account rồi apply hồ sơ của những người còn lại vào account đó.
Sau khi bạn làm xong các bước online, bạn gọi điện đến TLS Contact để đặt lịch hẹn (đảm bảo hồ sơ bản cứng đã hoàn thiện hết rồi mới đặt lịch). Lưu ý là đi theo nhóm thì hồ sơ của người nào vẫn phải độc lập riêng rẽ, đầy đủ như nhau, không chung đụng gì cả. Đến ngày hẹn bạn lên văn phòng của họ nộp hồ sơ thôi. Sẽ có nhân viên thực hiện việc soát hồ sơ, thu hồ sơ và sau đó lấy sinh trắc vân tay và ra về.
Qua TLScontact, ngoài phí visa 60Eur mình phải trả thêm phí dịch vụ là 29E nữa (tổng cộng mình đóng hết khoảng 2tr2 VND bao gồm phí chuyển phát visa về nhà). Lợi ích của việc qua TLScontact là họ sẽ kiểm tra hồ sơ và tư vấn cho mình trong trường hợp hồ sơ của mình chưa đủ yêu cầu.
Tình trạng xét duyệt hồ sơ sẽ được cập nhật hàng ngày trên website của TLS Contact. Khoảng 1 tuần (với hồ sơ chuẩn) là họ sẽ trả hộ chiếu của đương đơn về TLS, và bạn cứ thế mà lên nhận về thôi. Hộ chiếu gửi về TLS sẽ đảm bảo niêm phong, không ai biết là đậu hay rớt. Chỉ đến khi bạn nhận lại, mở hộ chiếu và xem visa đã được dán lên hay chưa thì lúc đó mới là chắc ăn 100%.
Có một số trường hợp ĐSQ sẽ cần phải phỏng vấn. Như trường hợp của tôi thì LSQ Pháp họ không yêu cầu phỏng vấn, nhưng theo tìm hiểu thì việc phỏng vấn ở những LSQ khác cũng khá đơn giản thôi, thường sẽ có 1 người Việt và 1 người Pháp hỏi, và câu hỏi cũng đơn giản (nếu hồ sơ của bạn khá đầy đủ rồi họ chỉ hỏi thêm để xác minh thông tin thôi). Các bạn chỉ cần trả lời tự tin, và thể hiện được khát khao đi du lịch của mình, đồng thời đảm bảo không làm điều gì phương hại đến lợi ích của đất nước họ, thì cũng dễ dàng qua thôi.
Kinh nghiệm rút ra:
Thực ra thì khi các bạn chuẩn bị được đầy đủ các loại hồ sơ như trên, các bạn sẽ đảm bảo được 99% là pass visa rồi, kể cả khi các bạn không cần phải nộp đầy đủ như trên vẫn qua. Tuy vậy tôi vẫn thấy có một số trường hợp cá biệt hồ sơ còn đẹp hơn tôi, vẫn không nhận được visa Schengen, lý do ở đây là gì? Câu trả lời vẫn là việc quay lại 3 điều kiện tiên quyết tôi đã đề cập ở trên thôi.
1. Hồ sơ minh bạch:
Một số trường hợp các bạn thiếu giấy tờ, các bạn chế hồ sơ, khi nhân viên LSQ xác minh thấy gian dối tất nhiên họ sẽ loại hồ sơ. Chế hồ sơ có thể như việc khai gian nghề nghiệp, làm hợp đồng lao động giả hoặc giấy nghỉ phép giả. Việc xác minh là hãn hữu, tuy nhiên nghiệp vụ của LSQ là rất tốt, họ sẽ thực hiện nếu thấy có nghi vấn.
2. Điều kiện tài chính:
Có lẽ ai có ý định đi châu Âu đều đã có kế hoạch tài chính rõ ràng, tuy vậy việc các bạn trình bày trong hồ sơ không tốt hoặc không rõ ràng có thể sẽ cản trở bạn việc pass visa.
3. Đảm bảo không trốn ở lại:
Đây có lẽ là vấn đề quan trọng nhất, vì hiện nay tình trạng nhập cư trái phép ở các nước châu Âu đang rất nóng, rất nhiều trường hợp người Việt Nam qua bên đó rồi trốn ở lại luôn. Vì vậy các bạn phải làm thế nào chứng minh được mình chỉ có ý định sang châu Âu đi du lịch thôi, tuyệt đối không ở lại. Việc này có thể được thể hiện qua việc các bạn chứng minh tình hình tài chính là khá giả, không phải là người thiếu thốn mà phải sang bên đó trốn lại. Hoặc các bạn đang có công ăn việc làm rất tốt, gia đình bạn bè đều ở Việt Nam và có nhiều ràng buộc ở Việt Nam mà không thể ở lại nước ngoài như có vợ/chồng, con cái đều ở Việt Nam, tài sản như nhà cửa đất đai đứng tên bạn, bạn chứng minh bằng các loại như giấy tờ tài sản đứng tên mình (ô tô, sổ đỏ), giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh của con cái, v.v..
Ví dụ như trường hợp tầm có tuổi mà chưa lập gia đình, không có gì ràng buộc ở Việt Nam thì họ sẽ rất hay để ý đấy. Trong trường hợp đó các bạn hãy chuẩn bị hồ sơ kỹ càng, thư bày tỏ hãy viết như một bức tâm thư, hay khi phỏng vấn trả lời thành thật, làm thế nào để cho họ thấy khát khao đi du lịch của mình là như thế nào, tạo cho họ niềm tin rằng mình sẽ quay trở lại ngay khi kết thúc cuộc hành trình.
Ngoài ra một kinh nghiệm khác mà tôi tham khảo được dành cho những bạn muốn có một chuyến đi dài (từ trên 1 tháng-3 tháng) và ra vào châu Âu nhiều lần (dạng Multiple Visa), đó là khi bạn nộp hồ sơ, mục ra vào châu Âu bạn cứ tick vào ô Single entry là được không nên xin Multiple ngay, LSQ sẽ xem xét hồ sơ và lịch trình, tuỳ vào điều kiện của bạn họ sẽ cân nhắc cấp visa dạng Multiple hay không. Trường hợp bạn nào muốn đi thêm UK mà xin visa UK thì có thể xin visa Schengen trước (độc lập không liên quan nhé), sau khi có visa Schengen rồi bạn dựa vào hồ sơ sẵn có để nộp tiếp xin visa UK. Trong hồ sơ xin visa UK bạn chỉ cần nói tổng quá hành trình đi các nước trong khối Schengen mà không phải nộp kèm các booking khách sạn và tàu xe ở châu Âu, chỉ phải nộp những booking liên quan đến việc du lịch UK thôi.
Trên đây là những kinh nghiệm của tôi khi xin visa Schengen hay chính xác hơn là kinh nghiệm xin visa Pháp, nếu có thắc mắc gì các bạn có thể để lại câu hỏi dưới phần comment, tôi sẽ cố gắng giải đáp.
Comment (0)